Tin tức Địa chỉ nhân đạo
Cụ bà 83 tuổi nuôi chồng tật, con điên, cháu dại 02/10/2009

Cụ bà 83 tuổi nuôi chồng tật, con điên, cháu dại

  • 3,094 Xem

Ngôi nhà không hạnh phúc

 

Phải vòng vèo mất gần 2 giờ đồng hồ ngược thành phố Huế, chúng tôi mới tìm được đến ngôi nhà của mệ Lê Thị Lộc, ngôi nhà không có cổng nằm sát ngay bờ mương rãnh bốc mùi hôi tanh cả một vùng, khoảng trống trước sân tiêu điều chỉ còn trơ lại những cọng rau khoai, vừa dẫn tôi vào nhà mệ vừa chỉ bảo: “Đó là miếng cơm, manh áo hằng ngày của mệ đó, rau ngắt đem bán vài ba tuần cũng kiếm được từ 3-5 ngàn đồng để lo cơm nước ngày ba bữa cho cả nhà”.

 

Năm nay đã bước sang tuổi 83, mệ già khụm khuỵ, tai nghe đã không còn rõ, phải hét thật lớn mệ có thể nghe câu được câu mất, ấy thế mà ngày ngày bất kể trời nắng hay mưa mệ vẫn đội mưa, dầm nước, lội nắng ra vườn kiếm chút rau hoang còn sót lại, gánh ba bảy bó ra ngoài chợ xa cả dăm cây số bán lấy tiền mua gạo, nước mắm, muối hằng ngày.

 

Đôi tay run run vừa rót nước cho khách, mệ vừa tâm sự: “Cả đời mệ quanh năm suốt tháng bám ruộng, làm nông mà có đủ cái ăn, cái mặc mô. Ông nhà bệnh nằm liệt giường đã mấy chục năm nay, hễ cứ trái gió trở trời lại đau lên đau xuống, tiền thuốc men chữa trị hằng ngày cũng không có”, nói tới đó mệ lại lấy tay lau dài hàng nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo, đen rám.

 

Cụ ông bị thoái hóa 3 đốt sống, không đi đứng nổi, lại thêm “chẳng nghe, chẳng biết, chẳng thấy” gì, chỉ ăn rồi nằm bệt trên giường, tất tần tật mọi sinh hoạt hằng ngày đều do một mình mệ Lộc chăm non, đút cháo ăn, mặc đồ, vệ sinh tắm giặt. Ngôi nhà lợp bằng ngói cũng đã xanh màu rêu, gió lùa, dột nát khắp nơi, duy chỉ còn chiếc giường nơi cụ ông ngủ vẫn còn nguyên vẹn.

 

Cơm ăn ngoài rau xanh, nước mắm thì muối mặn là thức ăn chính cho trọn ngày, ấy vậy mà mệ vẫn phải tằn tiện mua thịt nấu cháo cho cụ ông ăn “nhiều hôm đút cho ông ấy ăn mà ông ấy có còn biết gì nữa mô, cho gì ăn nấy, nhưng mà ông ấy không ăn được cơm, tiền mua thịt phải vay người này, xin người nọ”, mệ kể.

 

 Đang tiếp chuyện ở nhà ngoài, bỗng đâu có tiếng cười khúc khích rồi tiếng la hét, đập phá trong ngôi nhà, rồi tiếng bát đổ vỡ lăn lóc trên nền nhà, mệ chạy vào nhà rồi dỗ dành, ngon ngọt, chị con gái út lại say giấc ngủ. Đó là chị Phạm Thị Cam, do bị câm từ nhỏ nên mọi người vẫn hay gọi là chị Câm. Từ nhỏ, chị đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần, không nói không năng, chỉ ngồi cười và phá. Năm 20 tuổi, chị phát bệnh nặng trầm trọng.

 

Thương con, thương chồng, một mình mệ đã phải chạy vạy, vay nợ lấy tiền hết vào Nam ra Bắc chữa trị cho cả 2, nhưng rồi chẳng những không đỡ mà còn nặng thêm. “Những lúc trái gió trở trời trong khi ông nhà thì đau toàn thân, nằm lăn lóc kêu đau thì đứa con gái út điên của tui nó lại đập phá tan tành hết đồ đạc, cửa chính, cửa sổ nó tháo đập hết, tui có can nó còn đánh, ném luôn cả tui”.

 

Thêm gánh nặng nuôi cháu nhỏ

 

Từ ngày con phát bệnh tâm thần nặng tới nay, hàng xóm láng giềng ai ai cũng lánh mặt vì sợ “con điên” nhà mệ.

 

Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã, cũng may còn có trợ cấp mỗi tháng được... vài vỉ thuốc chữa bệnh điên của con, còn mỗi tháng riêng tiền chữa bệnh cột sống cho ông nhà cũng đã mất gần 200 ngàn đồng. Đó là chưa kể cách đây không lâu, chị Cam trong một lần bị một tên “thú đội lốt người” lợi dụng để lại cái thai nhi. Cũng kể từ ngày đó tới nay,cả xã ai ai cũng biết tới gia đình mệ. Người bênh vực, cảm thông thì ít mà lời bàn ra tán vào, nói xấu thì nhiều. Về nhà, mệ chỉ biết ôm cháu vào lòng mà khóc than, nhìn đứa cháu gái mới tròn 5 tháng tuổi bụ bẫm, bi be cười mệ lại quặn lòng đau nhói.
 

Mệ Lộc và cháu gái 5 tháng tuổi

 

Ngày sinh cháu nhỏ, chị Cam lên cơn điên nặng, cũng may các bác sỹ tận tình chăm bẵm. Cháu không có sữa mẹ nên ngày ngày mệ phải mua sữa ngoài cho cháu uống, mỗi tháng tiền sữa cũng hết hơn 800 ngàn đồng.

 

“Nó điên có biết mần chi mô, ẵm con, chăm cháu tui cũng phải tự tay làm hết, thương nhất vẫn là cháu nhỏ mới sinh mà không có sữa uống, tiền thuốc, tiền sữa thì nhiều không biết rồi thời gian tới lấy mô ra nuôi chaú nó nữa”, mệ Lộc tâm sự.

 

Mong ước lớn nhất của mệ Lộc bây giờ chỉ là lo sao cho đứa cháu gái bé bỏng có sữa uống, khôn lớn lên chút nữa, và hi vọng không mang di chứng của người mẹ điên.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

 Bà Lê Thị Lộc -  đội 6, Hợp tác xã 2, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

các tin khác
Tháng Nhân đạo