Tin tức Địa chỉ nhân đạo
Nỗi đau người cha mất 7 đứa con cùng vì bệnh gan, mật 02/10/2009

Nỗi đau người cha mất 7 đứa con cùng vì bệnh gan, mật

  • 3,547 Xem

Thoạt nhìn Hồ Văn Hoàn, 56 tuổi ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, có nụ cười vô tư và lối nói chuyện chân chất, không ai nghĩ cuộc đời ông lại gắn liền với nhiều mất mát đến thế.

 

Đi bộ đội phục viên về năm 1979, ông Hoàn cưới vợ và sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Sau đầy cữ, cặp vợ chồng trẻ bắt đầu lo lắng khi thấy con có biểu hiện vàng da, phân trắng. Họ đưa con ra bệnh viện huyện khám và biết cháu bị tắc mật. Các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa con về vì bệnh của cháu không thể cứu được dù có đưa tới viện Trung ương. 4 tháng sau cháu mất.

 

2 năm sau, họ lại sinh đôi hai cháu trai. Dù sinh đủ ngày đủ tháng nhưng cả hai cháu đều yếu và cũng chỉ sống được hơn 4 tuần.

 

Mặc dù quá đau đớn trước những mất mát này, hai vợ chồng ông Hoàn đều động viên nhau cố gắng vượt qua để sống. Và lần sinh thứ 4 đã mang lại bao hy vọng, niềm tin cho họ khi đứa con gái bụ bẫm, trắng trẻo như thiên thần chào đời.

 

"Ở làng tôi, người ta nói đổi đầu con (đang sinh con trai lại sinh con gái) là may mắn, sẽ xua hết mọi bất hạnh vừa qua. Chúng tôi cũng từng tin là vậy", vừa nói, người đàn ông có gương mặt phúc hậu vừa kìm nén nỗi đau trong đôi mắt ngân ngấn.

 
 

Số phận thực sự quá khắc nghiệt với gia đình ông khi cô con gái thứ tư này lại có biểu hiện bị tắc mật lúc 2 tuổi. Sau vài năm chữa chạy không hiệu quả, cháu mất khi chưa tròn 7 tuổi.

 

Đứa con gái thứ 5 ông bà tưởng sẽ được khỏe mạnh như những em bé khác vì đến năm 3 tuổi cháu vẫn bình thường. Thế nhưng 4 tuổi, cháu lại sưng, ngứa khắp người, đi khám thì cũng phát hiện bị xơ gan, ứ mật. Ông bà Hoàn lại đưa con đi chữa khắp nơi nhưng cháu vẫn không thể qua khỏi khi 11 tuổi.

 

Sau đó không lâu, cô con gái thứ 7 bị nôn ra máu, được chẩn đoán bị bệnh huyết tán và qua đời lúc 7 tuổi.

 

"Đó là thời điểm suy sụp nhất đối với gia đình tôi, về cả tinh thần và kinh tế. Bàn thờ đứa này chưa nguội khói hương đã lại lập bàn thờ đứa kia rồi. Trước đó, dù bao mất mát, chúng tôi vẫn cố gắng gượng vì nghĩ phải dồn sức chăm lo cho những đứa còn lại. Nhưng khi ấy, 6 đứa con mất đi, hai đứa cuối cùng cũng phát hiện bị bệnh, tương lai chẳng biết ra sao", ông Hoàn nhớ lại những tháng ngày khó khăn nhất trong đời mình.

 

Khi ấy, cậu con trai út của ông mới 2 tuổi đã có biểu hiện bị bệnh gan. Cô con gái thứ 6 - vốn được đặt nhiều hy vọng nhất vì em rất mạnh khỏe, từ lúc sinh đến khi đi học hết cấp một, 2, bước sang cấp 3, chẳng bệnh tật gì, ít khi phải uống thuốc men. Vậy mà, khi học lớp 11 em cũng lại phát hiện bị xơ gan cổ chướng.

 

Theo lời ông Hoàn kể, khi đó, hai đứa con, đứa nằm Viện Nhi, đứa ở Bạch Mai, cả gia đình ông phải chia nhau ra chăm sóc. Nhà ông phải nhờ người đến trông giúp. Ruộng nương cũng do bà con lối xóm đến làm cho. Suốt mấy năm trời, ông hết đưa con này về lại đưa con kia ra Hà Nội điều trị.

 

Rồi năm 2007, bệnh gan của cậu con trai út - Tuấn Anh - có cơ hội được chữa khỏi khi Bệnh viện Nhi trung ương cho biết sẽ ghép gan cho em và đã kêu gọi các tổ chức tài trợ miễn phí cho gia đình. Niềm hy vọng lại sống dậy trong lòng ông và cả gia đình. Sau một loạt các xét nghiệm, kiểm tra cho thấy các chỉ số của ông phù hợp để ghép gan cho con, ông phải nằm lại viện mấy tháng trời để cùng con trai chuẩn bị cho ca đại phẫu. Nhưng cũng chính vì thế ông đã không thể nhìn mặt lần cuối đứa con gái thứ 6 khi em ra đi ở tuổi 21 cùng thời gian ấy.

 

Rồi, trước ngày phẫu thuật, các bác sĩ sinh thiết gan cho ông và phát hiện bộ phận này có hiện tượng bị xơ, không thể ghép được. Thế là lại một quá trình tìm người phù hợp hiến gan cho con. Lúc này, anh em bên nội, bên ngoại kéo ra làm thử xét nghiệm nhưng người thì không hợp, người hợp thì vợ, con lại không đồng ý cho gan. Mấy tháng sau, ca mổ cũng được tiến hành và người hiến gan là em trai ruột của ông Hoàn.

 

Khi ca mổ ấy diễn ra, không chỉ vợ chồng ông mà đại gia đình, làng xóm đều hồi hộp chờ kết quả. Ai cũng cầu mong cho niềm hy vọng cuối cùng còn ở lại. Và điều ấy đã xảy ra.

 

Từ khi Tuấn Anh được ghép gan thành công, vợ chồng ông như được tiếp thêm sinh lực mới. Tuy hiện giờ sức khỏe của Tuấn Anh chưa hồi phục hẳn, mỗi tháng em vẫn phải trở lại Bệnh viện Nhi trung ương để khám và tiếp tục điều trị nhưng hằng ngày được thấy em sống, nói cười, đi học đã là hạnh phúc lớn lao đối với vợ chồng ông.

 

"Nhiều lúc tôi tưởng mình không thể gượng dậy nổi nhưng tôi lại nghĩ mình là đàn ông phải bản lĩnh, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho vợ con. Mình khổ một thì vợ mình khổ mười. Mỗi lần có một đứa con mất đi là bà ấy lại ngất lên ngất xuống. Còn tôi, dù có khóc, tôi chỉ dám quay mặt khóc một mình chứ chưa bao giờ để vợ, con phải thấy mình rơi lệ", ông tâm sự.

 

Niềm an ủi với vợ chồng ông là dù gia cảnh nghèo khó, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nhưng chưa bao giờ chịu "bó tay" nhìn con bệnh tật. Khi còn hy vọng, bằng mọi cách, dù phải đi lại xa xôi, vượt bão, vượt lũ hay chạy vạy vay mượn khắp nơi, ông bà cũng phải cố gắng chữa trị cho con. Ông kể, hồi đó, mỗi lần con bị bệnh, nghe ai mách chỗ nào có thuốc chữa được cho con ông cũng tìm tới, từ đi Lào Cai, Yên Bái cắt thuốc nam đến ra các bệnh viện tìm thày, tìm thuốc.

 

"Mấy đứa con tôi, trước khi nhắm mắt đứa nào cũng dặn bố mẹ là phải cố gắng cứu lấy các em. Các con còn nhỏ đã biết vậy, sao mình lại không. Thế nhưng mình đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể giữ con lại thì đành chịu thôi", ông nói.

 

Ông Hoàn cho biết, suốt bao nhiêu năm, điều ông vẫn đau đáu đến giờ là không hiểu vì sao tất cả các con của mình đều mắc cùng một loại bệnh, dù trong gia đình hai bên nội ngoại không ai bị như vậy.

 

Về điều này, theo một bác sĩ chuyên khoa gan, mật nơi từng điều trị cho các con của ông Hoàn, rất có thể đó là một bệnh có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, để xác định được chính xác điều này, cần có hàng loạt các xét nghiệm, phân tích mà với điều kiện của bệnh viện chưa thể làm được.

 

Còn giáo sư Nguyễn Đình Lương, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ di truyền cũng cho rằng, dù những người khác trong đại gia đình không ai bị bệnh nhưng cặp vợ chồng mà có cả 8 đứa con đều bị cùng một bệnh thì rõ ràng khả năng lớn nhất vẫn là bệnh di truyền. Tuy nhiên, ông cho biết, hiện nay, thế giới đã biết tới hàng nghìn bệnh loại này nhưng công nghệ di truyền chỉ mới xác định được một số bệnh trong số đó. Riêng ở Trung tâm Phân tích và xét nghiệm AND của ông, cũng mới chỉ xác định được 5 loại bệnh di truyền, trong đó không có các bệnh về gan, mật bẩm sinh.

Theo Vnexpress!

các tin khác
Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái"
Tháng Nhân đạo